Cao Khô Lá Sim

Công ty Cổ phân Thiên Việt Nhật

Cao Khô Lá Sim

Mô tả

CAO LÁ SIM - CAO DƯỢC LIỆU THIÊN VIỆT NHẬT 

1. Mô tả dược liệu:

Tên Gọi Khác: Hồng sim, đào kim phượng, dương lê, co nim, mắc num, trơ quân lương.

Tên Khoa Học: Rhodomyrtus tomentosa.

Thuộc Họ: Đào kim nương (Myrtaceae).

Thuộc tính:

Cây Sim (Rhodomyrtus tomentosa) Cây bụi cao 1-3 m, thân non màu vàng nâu, có nhiều lông mịn; thân già màu nâu đen có các đường nứt chạy dài, tiết diện tròn.

Lá đơn, mọc đối. Phiến lá hình xoan, gốc nhọn, đầu tròn, dài 5-7 cm, rộng 3-4 cm; bìa phiến nguyên hơi cong xuống phía dưới; lá già mặt trên màu xanh lục đậm, nhẵn bóng, mặt dưới màu vàng xanh có rất nhiều lông mịn; lá non có lông ở cả 2 mặt. Gân lá hình lông chim nổi rõ mặt dưới, 9-10 cặp gân phụ; cặp gân phụ thứ nhất rất mờ xuất phát từ gốc chạy dọc sát theo bìa phiến tới ngọn; cặp thứ 2 to xuất phát cách đáy phiến 0,7-1 cm chạy song song theo mép lá cách bìa phiến 0,3-0,5 mm và nối với các cặp gân phụ còn lại. Cuống lá hình trụ, màu vàng nâu, có nhiều lông mịn, dài 1-1,2 cm. Không có lá kèm.

Quả mọng hình trứng ngược mang đài tồn tại ở đỉnh, màu xanh sát cuống, phía trên màu đỏ nâu, nhiều lông mịn, có mùi thơm, đường kính 1,2-1,5 cm, dài 1,5-2 cm, chứa rất nhiều hạt. Hạt hình thang, màu nâu.

 

Phân bố, sinh học và sinh thái

Cây mọc tự nhiên và phổ biến ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á, bao gồm Indonesia, Philippin, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam và một số tỉnh phía Nam Trung Quốc. Ở Việt Nam, sim là loài cây quen thuộc ở khắp các tỉnh vùng trung du và núi thấp. Cây đặc biệt ưa sáng và có khả năng chịu hạn tốt, thường mọc rải rác hay tập trung trên các đồi cây bụi hay đồng cỏ.

Bộ phận dùng

Lá, quả và rễ (Folium, Fructus et Radix Rhodomyrti tomentosae). Lá thu hái vào mùa hè, dùng tươi hay phơi khô. Quả chín hái vào mùa thu, phơi khô. Rễ thu hái quanh năm, thái nhỏ, phơi khô.

Thành phần hóa học: 

Cây sim đã được báo cáo có chứa các thành phần hóa thực vật khác nhau trong nhiều bộ phận của cây.

  • Cả cây chứa tanin.
  • Thân và lá sim có nhiều hợp chất triterpen như acid betulinic; taraxerol, betullin,…
  • Lá sim còn chứa nhiều chất ellagi tannim, rhodomyrtone.
  • Quả có chất béo, protein, glucid, thiamin, riboflavin, ethanol và piceatannol, acid nicotinic và vitamin A, lavon – glucosid, malvidin – 3 glucosid, các hợp chất phenol, các acid amin, đường và acid hữu cơ.

2. Tác dụng của Dược liệu lá sim

Búp và lá Sim non được dùng chữa đau bụng, tiêu chảy, kiết lỵ. Lá còn là thuốc cầm máu, chữa vết thương chảy máu. Quả sim chín ăn được, dùng chế rượu, chữa thiếu máu lúc có mang, suy nhược khi mới ốm dậy, lòi dom, ù tai, di tinh, phụ nữ băng huyết. Rễ sim chữa tử cung xuất huyết cơ năng, đau xương, lưng gối yếu mỏi, viêm thấp khớp.

- Theo y học cổ truyền

Tính vị

Theo Đông y, lá sim có vị ngọt, tính bình. Còn quả sẽ có vị ngọt chát nhưng tính bình. Rễ sim cũng có vị ngọt, hơi chua và tính bình.

Công năng, chủ trị

Cây sim đã được sử dụng làm thuốc cổ truyền từ lâu đời ở các nước Châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Malaysia.

Những người bản địa ở Malaysia sử dụng quả mọng như một phương thuốc chữa bệnh kiết lỵ và tiêu chảy. Các bộ phận của rễ và thân cây được dùng chữa bệnh dạ dày và làm thuốc đông y cho phụ nữ sau sinh. Sử dụng lá cây sim giã nát để điều trị vết thương.

Ở Thái Lan, cây sim được dùng làm thuốc hạ sốt, trị tiêu chảy và chống lỵ.

Ở Trung Quốc, sim được dùng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu.

Hơn nữa, Ở Singapore, lá làm thuốc giảm đau, rễ chữa ợ chua, hạt làm thuốc bổ cho tiêu hóa, và để điều trị rắn cắn.

Trong khi đó, quả sim đã được sử dụng để điều trị tiêu chảy, kiết lỵ và tăng cường hệ miễn dịch ở Việt Nam.

Sim được bán như một chất bổ sung thảo dược ở Châu Mỹ.

- Theo y học hiện đại

Kháng viêm

Trong nghiên cứu, GS.Jeong và các đồng nghiệp đã lần đầu tiên xác định hoạt tính chống viêm của cây sim trong ống nghiệm. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng dịch chiết cồn từ lá sim có khả năng ức chế sản xuất NO và prostaglandin E2 (các hóa chất trung gian gây viêm).

Đáng chú ý, chiết xuất 80% ethanol và piceatannol từ quả sim làm giảm độc tính tế bào do tia UVB gây ra và sản xuất chất trung gian gây viêm của prostaglandin E2 trong tế bào sừng biểu bì bình thường của người.

Ngoài ra, rhodomyrtone từ lá sim làm giảm chứng viêm da ở chuột thí nghiệm. Nghiên cứu cho thấy, rhodomyrtone có hiệu quả trong điều trị bệnh vẩy nến, thông qua việc ức chế tăng sinh tế bào sừng.

Những kết quả này chỉ ra rằng sim và các thành phần của nó có tác dụng chống viêm, mở ra khả năng sử dụng các sản phẩm tự nhiên này để phát triển thêm các sản phẩm có lợi cho sức khỏe về phòng ngừa và/hoặc điều trị viêm.

Chống oxy hóa

Nghiên cứu của Lavanya và cộng sự cho thấy chiết xuất từ ​​lá cây sim có khả năng ức chế đáng kể việc tạo ra các peroxit lipid ( là sản phẩm hóa học của quá trình oxy hóa).

Hay một nghiên cứu khác cho thấy chiết xuất giàu flavonoid quả sim làm ức chế quá trình oxy hóa

Hoạt động kháng khuẩn

Cây sim có hoạt tính kháng khuẩn mạnh và tiềm năng y học có giá trị để phát triển thành một loại thuốc hiệu quả.

Dịch chiết từ quả và lá của cây sim thể hiện các hoạt động chống lại Bacillus cereus và Candida albicans. Lá, thân, cành và quả của cây cho thấy hoạt động chống lại Salmonella typhi và Propionibacterium acnes.

Chiết xuất etanol của lá sim có hoạt tính kháng khuẩn sâu sắc chống lại tất cả các vi khuẩn tụ cầu được phân lập từ sữa với giá trị nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) và nồng độ diệt khuẩn tối thiểu (MBC) nằm trong khoảng từ 16 đến 64 μg/mL và từ 64 đến 128 μg/mL.

Hoạt động chống ung thư

Cây sim đã được báo cáo là một chất chống ung thư tự nhiên đầy hứa hẹn. Chiết xuất ethyl acetate của rễ sim cho thấy hoạt tính chống tăng sinh đáng kể trên HepG2 (là một tế bào gây ung thư gan) sau 72 giờ điều trị.

Hơn nữa, rhodomyrtone từ lá cây sim có thể làm chậm quá trình phân bào, gây ra chết tế bào ung thư theo quá trình tự nhiên, ức chế tăng sinh tế bào ung thư ở biểu bì.

Sản phẩm đã xem